Đất trồng lúa có được chuyển nhượng không? Cần điều kiện gì?
Lĩnh vực đất đai được đánh giá là một trong những lĩnh vực phức tạp nhất và nhiều văn bản điều chỉnh trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, các vấn đề xoay quanh lĩnh vực này như quyền sử dụng đất, tranh chấp đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất … luôn tạo đươc sự quan tâm của xã hội. Qua bài viết này Luật sư sẽ hỗ trợ tư vấn về câu hỏi đất trồng lúa có được chuyển nhượng, có được bán đất trồng lúa không? và điều kiện chuyển nhượng như sau?
1. Tư vấn về chuyển nhượng, mua bán đất trồng lúa
Theo quy định của pháp luật hiện hành, đất đươc phân định thành hai loại bao gồm đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp theo đó mỗi loại sẽ có một đặc trưng riêng, được điều chỉnh bằng những quy định pháp luật riêng biệt. Do đó, nếu bạn đang có thắc mắc và cần sự trợ giúp đội ngũ luật sư, đừng ngần ngại hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ các vấn đề pháp lý như:
– Điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đất trồng lúa
– Tư vấn về Điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển nhượng, mua bán đất trồng lúa
– Giải đáp thắc mắc về điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất.
>> Tư vấn về chuyển nhượng, mua bán đất trồng lúa, gọi: 1900.6169
Để làm rõ hơn vấn đề này, Luật Minh Gia xin gửi đến bạn tình huống cụ thể dưới đây để bạn có thể tham khảo và đưa ra hướng giải quyết phù hợp nhất.
2. Đất trồng lúa có mua bán, chuyển nhượng được không? cần điều kiện và thủ tục gì?
Câu hỏi:
Luật sư tư vấn về điều kiện và thủ tục khi chuyển nhượng đất trồng lúa nước. Nội dung tư vấn như sau: Chào Luật sư! Hiện tại tôi có sở hữu thửa đất chuyên trồng lúa nước, diện tích thửa đất hiện tại 250m2. Giáp ranh thửa đất của tôi là một thửa đất khác cùng mục đích sử dụng “trồng lúa nước” với diện tích 1600m2.
Q1: Tôi có nhu cầu mua lại một phần của thửa đất giáp ranh với diện tích 120m2 (phần tiếp giáp với lô đất của tôi) và muốn nhập phần 120m2 sẽ mua vào thửa đất hiện tại của tôi thì thủ tục sẽ như thế nào? Nhờ luât sư tư vấn!
Q2: Thông thường khi đi công chứng chuyển nhượng đất trồng lúa nước thì công chứng viên yêu cầu giấy xác nhận hộ nông dân, trong trường hợp này có cần thiết hay không nhờ luật sư tư vấn?
Q3: Hiện tại thửa đất giáp ranh (1600m2) do 2 ông bà đang sinh sống tại Hải Phòng sở hữu, do tuổi cao chủ sở hữu không thể vào Biên Hòa để công chứng được, nhờ luật sư tư vấn hướng giải quyết giúp?
+ Trường hợp tôi trực tiếp ra Hải Phòng để làm thủ tục công chứng chuyển nhượng thửa đất ở Đồng Nai, sau đó mang hồ sơ vào nộp tại Đồng Nai để làm thủ tục tách/ Hợp thửa đất thì có được không?
+ Trường hợp chủ sở hữu bên bán làm giấy ủy quyền cho người con đang sống tại Biên Hòa để làm thủ tục chuyển nhượng thì cần giấy tờ gì ? Người nhận ủy quyền có cần ra phòng công chứng ở Hải Phòng để lập giấy ủy quyền hay không? hay chỉ cần người ủy quyền ra phòng công chứng lập giấy ủy quyền là được? Rất mong nhận được tư vấn từ luật sư. Trân trọng cảm ơn!
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
1. Về điều kiện chuyển nhượng đất trồng lúa (đất nông nghiệp)
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013 về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
Bên cạnh đó, tại Điều 191 Luật đất đai 2013 quy định:
“Điều 191. Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
2. Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
4. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.”.
Như vậy, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 188 và Điều 191 Luật Đất đai 2013 thì bạn mới có thể nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Ngoài ra, hai bên cũng cần tuân thủ quy định về diện tích đất nông nghiệp được phép chuyển nhượng quy định tại Điều 44, Điều 45 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
2. Thủ tục chuyển nhượng đất nông nghiệp trồng lúa
Bước 1: Hai bên thỏa thuận lập hợp đồng chuyển nhượng.
Bước 2: Công chứng hợp đồng chuyển nhượng
Theo quy định tại Điều 42 Luật công chứng 2014 như sau:
“Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.”.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng bất động sản phải được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng nơi có bất động sản. Do đó, trong trường hợp này, hợp đồng chuyển nhượng phải được công chứng tại Biên Hòa.
Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai
Sau khi đã công chứng hợp đồng, hai bên đến Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Ủy ban nhân dân quận (huyện) nơi có đất nộp hồ sơ thực hiện quyền chuyển nhượng đất.
Hồ sơ bao gồm:
– Đơn xin đăng ký biến động (theo mẫu);
– Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (có công chứng);
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
– CMTND, SHK, Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của hai bên (bản sao).
Ngoài ra, trường hợp bên bán đất (bố mẹ) ở Hải Phòng không thể vào Biên Hòa để làm thủ tục chuyển nhượng thì có thể ủy quyền cho người con ở Biên Hòa thực hiện. Bên bán đất có thể làm thủ tục ủy quyền tại phòng công chứng ở Hải Phòng. Trong trường hợp này, bên nhận ủy quyền không bắt buộc phải ra Hải Phòng làm thủ tục ủy quyền.
Bài hài lòng bài viết này chứ?
0/5 (0 lượt bình chọn)